Ngày 8/11, Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành Hướng dẫn số 122-HD/BTGTW về tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Tạp chí Tuyên giáo giới thiệu toàn văn bản Hướng dẫn.
Ngày 17/8/2023, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Kết luận số 61-KL/TW “về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng”. Thực hiện nhiệm vụ được phân công, Ban Tuyên giáo Trung ương hướng dẫn công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trong giai đoạn 2023 - 2025, như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, đường lối của Đảng về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đã được nêu trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng; Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Kết luận số 61-KL/TW, ngày 17/8/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW và các chỉ thị, nghị quyết, kết luận khác của Đảng có liên quan.
2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp cũng như các tổ chức, cá nhân và cộng đồng xã hội trong việc tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, phục vụ phát triển bền vững đất nước giai đoạn 2023 - 2025 và những năm tiếp theo.
3. Công tác tuyên truyền cần tiến hành thường xuyên, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm; nội dung thông tin tuyên truyền phải đầy đủ, cập nhật, phải thể hiện rõ những điểm mới của Kết luận số 61-KL/TW; lồng ghép tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng với các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước khác có liên quan. Hình thức tuyên truyền cần đổi mới, đa dạng hóa, phù hợp với từng đối tượng; nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục về nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân, hướng đến thay đổi nhận thức, hành vi, thói quen trong tiêu dùng, sản xuất, sinh hoạt, góp phần thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững.
II. NỘI DUNG TUYÊN TRUYỀN
1. Tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được nêu trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng; Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư và các văn bản khác của Đảng trong thời gian vừa qua, trong đó, tập trung những điểm mới của Kết luận số 61-KL/TW, ngày 17/8/2023 của Ban Bí thư, như sau:
- Xác định rừng là tài nguyên, nguồn lực to lớn của đất nước; là tư liệu sản xuất quan trọng, có khả năng tái tạo, yếu tố quan trọng của môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước, quốc phòng, an ninh; là không gian sinh tồn, lưu giữ các giá trị văn hoá gắn với đời sống, sinh hoạt của các cộng đồng dân cư, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số;
- Bảo vệ, phát triển rừng vừa là quyền lợi vừa là nghĩa vụ, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội;
- Cùng với bảo vệ rừng, cần tập trung phát triển mạnh kinh tế lâm nghiệp, nhất là kinh tế dưới tán rừng;phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững theo hướng đa mục đích, đa giá trị trên cơ sở quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên rừng.
- Đẩy mạnh triển khai dịch vụ hấp thụ, lưu giữ các - bon và phát triển nhanh thị trường tín chỉ các - bon rừng;
- Chú trọng triển khai đồng bộ và hiệu quả nhiệm vụ quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với mục tiêu quốc phòng, an ninh, bảo đảm ổn định dân cư, nhất là khu vực biên giới, góp phần xây dựng khu vực phòng thủ, thế trận quốc phòng toàn dân, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội;
- Thực hiện nghiêm quy định rừng tự nhiên chỉ được chuyển mục đích sử dụng để phục vụ quốc phòng, an ninh, dự án quan trọng quốc gia và dự án cấp thiết khác. Nghiên cứu tăng cường chế tài, đơn giản thủ tục tố tụng để xử lý nghiêm, kịp thời vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, nhất là hành vi phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản, săn bắt động vật hoang dã trái pháp luật;
- Bảo đảm điều kiện cần thiết cho hoạt động của kiểm lâm, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách, xây dựng lực lượng chuyên ngành về phòng cháy, chữa cháy rừng; có chính sách đặc thù để thu hút cán bộ làm công tác lâm nghiệp;
- Tập trung giải quyết đất ở, đất sản xuất, có cơ chế kiểm soát chặt chẽ việc chuyển nhượng đất ở, đất sản xuất được giao của đồng bào dân tộc thiểu số;
- Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, chuyển đổi số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững.
2. Tuyên truyền những kết quả, thành tựu trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng thời gian qua ở các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương; những kết quả nổi bật trong xây dựng và ban hành chính sách, pháp luật; những kết quả trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững.
3. Tuyên truyền nêu bật những tác động tiêu cực của việc suy giảm chất lượng rừng, dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đất nước; tác động của rừng đến vấn đề ứng phó biển đổi khí hậu, phòng chống thiên tai; những khó khăn, thách thức đặt ra trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng hiện nay. Tập trung tuyên truyền, khích lệ phát triển các mô hình kinh tế lâm nghiệp phù hợp với mục tiêu kép về bảo vệ và phát triển rừng đồng thời đảm bảo sinh kế cho người dân trong khu vực có rừng; gương người tốt việc tốt, gương điển hình trong công tác bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm.
4. Tuyên truyền, phổ biến các nội dung, nhiệm vụ được quy định tại chiến lược, chương trình, đề án, dự án, kế hoạch phát triển ngành lâm nghiệp và các văn bản liên quan khác.
5. Các địa phương, đơn vị căn cứ điều kiện thức tế để xây dựng các nội dung và hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng và địa bàn cụ thể.